Giữa ngập tràn thế giới âm thanh hiện đại, vẫn có không ít người nghe nhạc bị mê hoặc bởi những chiếc loa cổ toàn dải có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.
Phong trào chơi loa toàn dải đang được lan tỏa ở Hà Nội. |
Phong trào chơi loa toàn dải đã hình thành từ lâu trên thế giới, song ở Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội thì phong trào này mới thực sự bắt đầu từ cách đây khoảng chục năm và hiện trên đà lan tỏa. Người chơi loa toàn dải có đủ các thành phần, lứa tuổi, từ trí thức, doanh nhân đến người lao động phổ thông, miễn là ở họ có chung niềm đam mê âm nhạc.
Loa toàn dải có khả năng phát ra âm thanh analog, tức là âm thanh tương tự thực tế ở cả 3 dải âm, trung, trầm và cao. Loa toàn dải cổ được sản xuất ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Nga, Tiệp Khắc… Tuy nhiên, quê hương của dòng loa này xuất xứ từ Đức với nhà sản xuất hàng đầu là Siemens, với vật liệu chủ yếu là lông thú và bột giấy, keo và làm hoàn toàn thủ công để tạo ra màng loa.
“Màng loa rất mỏng nhưng độ nhạy âm thanh lại rất cao, chất âm phát ra mộc mạc, dày dặn cuốn hút và truyền cảm hứng người nghe hơn so với những loại loa hiện đại bây giờ. Loa toàn dải phù hợp với những bản nhạc cổ điển, nhạc nhẹ, trữ tình, đồng quê, và cả những dòng nhạc vàng ở Việt Nam”, anh Trương Vĩnh Khang, được xem như “thủ lĩnh” trong giới loa toàn dải ở Hà Nội chia sẻ.
Bộ sưu tập loa cổ toàn dải của anh Trương Vĩnh Khang. |
Không chỉ là người chơi, sưu tầm, anh Trương Vĩnh Khang còn mày mò tìm sách báo nước ngoài để học hỏi nghiên cứu và chế tác cách đóng thùng loa, phối ghép âm ly. Anh đã bỏ tiền mua những đôi loa đắt tiền về nghiên cứu chế tác thùng loa để cho ra đời âm thanh ưng ý nhất, đẹp, tự nhiên.
Để có được thùng loa ưng ý, anh Khang đã dành nhiều thời gian lập bản vẽ, thi công, hoàn thiện, phối ghép và nghe thử. Các công việc đều được làm cẩn thận, tỉ mỉ. Nhiều lần làm không đạt về kỹ thuật, hình thức và chất âm buộc anh phải làm lại, điều này tốn kém không ít thời gian và công sức. Hiện nay, anh Khang đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật đóng ghép thùng loa.
Không chỉ làm vỏ thùng loa trên chất liệu gỗ thông thường mà anh Khang còn sáng tạo ra loại loa làm bằng chất liệu kèn tre và vật liệu sơn mài truyền thống để tạo giá trị thẩm mỹ cao, cũng như tạo ra màu sắc âm thanh riêng cho đôi vỏ loa. Đến nay bộ sưu tập các mẫu loa anh Khang làm đạt đến hàng chục loại thùng loa như thùng cộng hưởng phản xạ, thùng loa ván hở, thùng loa kèn… với nhiều kiểu dáng khác, cũng như đa dạng về cách hoàn thiện những đôi loa như gỗ lạng, sơn, sơn mài, kèn tre, hay mica…
Anh Trương Vĩnh Khang kỳ công trang trí cho những chiếc loa cổ. |
Anh Khang cho biết: “Đôi loa, vỏ thùng cũng là sản vật của lịch sử, mang các giá trị của công nghệ điện thanh được làm từ giai đoạn vàng của audio từ những năm 1960 tại các nước phát triển về cả khoa học kỹ thuật và văn hóa nên được nhiều người chơi sưu tầm và lưu giữ. Những sản phẩm này được lưu trữ, bảo quản và sử dụng, bầy đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên phòng khách trong mỗi gia đình. Do vậy, vỏ loa được chế tạo cho những đôi loa cổ quý hiếm không chỉ đòi hỏi phải đẹp về thẩm mỹ mà còn đẹp cả âm thanh. Giá trị mình làm ra không chỉ mang lại kết quả vật chất mà còn mang lại giá trị tinh thần, nên khi chia sẻ kinh nghiệm của mình được mọi người đón nhận, tôi cảm thấy rất vui, vì thêm nhiều người cùng sở thích chơi loa cổ”.
Để chơi loa cổ toàn dải hay, theo anh Khang, việc phối hợp âm ly là rất quan trọng. Loa toàn dải có công suất nhỏ nhưng độ nhạy cao, do vậy phối ghép với âm ly đèn điện tử cho âm thanh rất quyến rũ. Người chơi loa toàn dải thường tìm đến những âm ly bán dẫn mạch Class A, song phù hợp nhất với loa toàn dải là loại âm ly đèn. Dòng amply đèn hãng với chi phí lớn hoặc những chiếc amply được lắp ghép thủ công từ những thợ điện tử lành nghề, với chi phí không quá cao so với âm ly hiện đại.
Lựa chọn phối hợp amply đem đến những âm thanh giàu xúc cảm. |
Một tín đồ âm thanh loa toàn dải ở Hà Nội chia sẻ: "Trước đây đã từng nghe những loại loa khác (loại 3 đường tiếng, 2 đường tiếng) nhưng kể từ khi tiếp cận và nghe loa toàn dải thấy yêu thích thứ âm thanh của loa toàn dải vô cùng. Tôi như bị “nghiện”, ngày nào trước khi đi ngủ tôi cũng nghe nhạc từ loa toàn dải, khi thì bản hòa tấu, lúc bản nhạc vàng. Nghe loa toàn dải cho mình cảm xúc, nghe mãi không chán, thứ âm thanh nhẹ nhàng nhưng vào tai nhiều nhất là lời hát của ca sỹ và sự trung thực của âm thanh. Nếu ca sỹ hát không chuẩn, nhạc phối không kỹ khi nghe loa toàn dải sẽ phát hiện ra ngay".
Một mùa xuân mới lại đang về. Trong không gian phòng khách ấm cùng với mứt Tết, chè xanh, gia đình quây quần ngồi nghe những bản nhạc trữ tình nhẹ nhàng càng làm thắm thêm tình thân, cùng nhau thả lỏng tâm trí để mong ước và kỳ vọng vào tương lai năm mới tươi sáng hơn.